Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2014 0 nhận xét

Tản văn: Cánh đồng chiều

Tản văn: Cánh đồng chiều tái hiện ký ức về cánh đồng quê thời chăn trâu cắt cỏ với thảm mạ non, lúa vàng, hốc ra và gốc cây gạo chốn thiên đường,....

Tản văn: Cánh đồng chiều 2
***
Phải nói đó là một cánh đồng chiều  mùa hạ. Cánh đồng mênh mông (trong kí ức tuổi thơ tôi lúc ấy, cánh đồng Rộc Giếng bé nhỏ khoảng chưa đầy hai héc ta mênh mông thật). Mênh mông là vậy nhưng vẫn ở trong tầm nhìn của tụi nhỏ chúng tôi. Đứng từ đầu làng nhìn ra đồng, điểm cuối cùng của tầm mắt chính là cây gạo. Một loài cây cổ thụ sừng sững, nặng trĩu lá. Và cánh đồng ấy có bờ hẳn hoi. Bờ giậu chính là bờ tre trãi (Một loài cây họ tre nhưng không có gai nhọn, thân nhỏ hơn tre lồ ô, cây to nhất chỉ bằng cổ tay trẻ nhỏ, thân rất mềm dẻo gần như cây Giang) ở giữa là ruộng lúa. Mà không phải, ở giữa là những ô vuông gốc rạ. Gốc rạ khô vàng trên những thửa cao, gốc rạ xanh úa trên những thửa ruộng vừa mới gặt, và non mướt một màu manh lá mạ trên những chân ruộng đã cắt từ truớc, nay lá mạ non đã mọc lên.


Chính những thửa “mạ non” ấy là nơi lí tưởng của những chú bò háu đói, trong khi cỏ trên các đồi cao, dưới gốc những vạt bạc hà, trên những hàng sắn đã khô giòn dưới cái nắng gay gắt của mùa hạ. Đồng quê chỉ còn những mảng màu xanh ấy.

Đó là những ngày ngắn ngủi đầu hạ. Khi mà chỉ ít bữa nữa thôi, cánh đồng lại được lật tung lên, và trên đó chỉ còn những thớ đất thịt bở tơi ra vì ngấm nước sau những ngày được phơi khô  khốc. Đồng quê thật vắng lặng. Không một tiếng cu rúc, không một tiếng ve kêu. Hình như, nắng quá, những chú ve cũng biến đâu mất.

Vậy mà mới hai giờ chiều, cánh đồng đã trở nên rộn rã. Rộn rã trong màu vàng của những chú bò vàng, trong màu đen của những chú trâu nâng, và trong những tiếng gọi nhau của những chú nghé con gọi bạn.

Lúc ấy cánh đồng chính là nhiên đường của chúng tôi.Và tâm điểm của Thiêng đường là dưới gốc cây gạo, nơi chân trời ấy. Dưói gốc cây gạo là một khoảng không râm mát nhất , mà chúng tôi có thể tìm thấy trong những ngày hè. Lá gạo không nhiều nhưng cũng đủ che mát cho bọn trẻ con đầu trần chân đất chúng tôi. Duy chỉ có chiếc hốc, dưới thân cây gạo là lí tưởng nhất. Bên trên những chiếc rễ to-bị trồi lên mặt đất do nước chảy lâu ngày xói đất-bằng thân cây gỗ nhỏ và trên những chiếc rễ ấy là một cái hốc. Có lẽ cái hốc được sinh ra do thân cây non ngày nhỏ bị sâu đục hay do một va chạm nào đó. Nhưng với tụi trẻ con chúng tôi ngày ấy, thì cái hốc ấy do chiếc phất trần của một bà tiên nào đó ban tặng. Trong kí ức tuổi thơ tôi bà tiên và ông tiên cùng với những  đạo cụ  không được rõ ràng cho lắm. Chỉ biết rằng chiếc hốc khi là cái tủ đựng tiền, khi là nơi  núp nắng, lúc lại là nơi trú ẩn lí tưởng của những cuộc chơi trốn tìm. Chiếc hốc cây hướng mặt về phía dòng khe  nhỏ bên kia bờ khe là một luỹ tre.

Tản văn: Cánh đồng chiều

 Tản văn: Cánh đồng chiều


Chiều hè thường đến rất chậm và ở lại rất lâu. Có lẽ thời gian cũng như lũ trẻ, luôn luôn muốn trùng trình, không chịu về. Bởi lúc này mà về thì tiếc thật. Trên đồng, những chú bò thoả sức gặm những lá mạ mướt non. Mà chúng gặm luôn cả những gốc rạ  giòn thơm nức mùi rạ mới. Có lẽ với bọn chúng đây là món ăn khoái khẩu vậy. Mà chúng thích gặm hay không thích, có no hay đói bọn trẻ có để ý gì. Bởi lúc này, bờ tre trãi rợp mát đã vang lên tiếng cười rộn rã. Bờ trãi bị bọn trẻ leo lên, đè rạp xuống. Và một chiếc cầu trượt màu xanh, lởm chởm cành, ngổn ngang bẹ được bọn trẻ trưng dụng. Chiếc cầu trượt ấy có thể lấy đi của vài đứa một chút quần, có thể mượn đi một chút áo, và đôi khi  xin nốt một chút da tay vì độ ma sát quá lớn mà độ gồ ghề cũng lớn. Trò chơi vẫn tiếp tục cho đến khi bọn trẻ nhìn ra đồng, giật mình vì một chú bò nào đó không còn nhìn thấy. Những chú bò khôn ngoan, no cỏ đã đi về phía mương nước dưới xa kia, tận cánh cổng vào làng.
Thứ Năm, 8 tháng 5, 2014 0 nhận xét

Những trò chơi dân gian ngày Tết

Những trò chơi dân gian ngày Tết - Cùng tìm hiểu 10 trò chơi dân gian truyền thống trong Tết cổ truyền dân tộc.
Đu quay ngày Tết - Những trò chơi dân gian ngày Tết

Đu quay ngày Tết - Những trò chơi dân gian ngày Tết

Đu quay (đánh đu):

Chơi đu thường diễn ra vào những ngày Tết cổ truyền hay trong các ngày lễ hội đầu xuân ở các hội làng. Từ những ngày trước Tết, các làng cử người đi tìm chọn những cây tre to đẹp nhất để dựng cột đu. Trò chơi đu yêu cầu người chơi phải thật bình tĩnh, có sức khỏe và một chút dũng cảm, bởi đây là trò chơi có tính mạo hiểm khi người đu có cảm giác hưng phấn thì có thể điều khiển đu bay lên rất cao.

Văn hóa thể thao

Từ nhiều thế kỷ nay, trong những ngày lễ hội khai Xuân, ngoài phần “Lễ” nghi thức cúng bái tôn nghiêm, thì phần “Hội” với những trò chơi dân gian luôn sôi động và thu hút nhất.

Những trò chơi dân gian phong phú của các vùng miền, mang đậm bản sắc riêng của từng địa phương, nó mang hơi thở mùa Xuân tươi trẻ, rộn ràng tinh thần tranh đua và ấm nồng tính cộng đồng của người Việt.
Những trò chơi dân gian ngày Tết

Kéo co:
Là trò chơi phổ biến của tất cả các nơi, trò chơi này phát huy tính đồng đội, rèn luyện sức khỏe. Khi tham gia người chơi luôn vui vẻ không cay cú ăn thua, tạo nên không khí thoải mái, sự chan hòa cho tất cả mọi người.

Đi cà kheo:
hiện là trò chơi đang hấp dẫn rất nhiều bạn trẻ, trò này đòi hỏi sự khéo léo và khả năng giữ thăng bằng tốt. Cảm giác khi dạo chơi trên cây cà kheo chắc chắn sẽ là trải nghiệm. Người ta dùng 2 cây tre, trên đó cột 2 cái khấc cũng bằng tre làm bàn đạp để đứng lên đó đi thay chân. Để đi được trên cà kheo, đòi hỏi người sử dụng phải có một sự khéo léo nhất định.

Ném còn:

Một trò chơi truyền thống trong lễ hội của dân tộc Thái Tây Bắc. Quả còn được làm bằng vải hình tròn đủ màu sắc rực rỡ, phía trong ruột là hạt bông. Khi ném còn thì cầm dây quay còn 3 vòng để lấy đà nhằm hướng tới mục tiêu rồi mới tung lên, làm cho quả còn bay cao, bay xa, mong trúng đích.Nhìn thì chơi Ném còn tưởng đơn giản, nhưng phải đỏi hỏi sự tỉ mỉ, canh chuẩn chính xác mới thành công.

Ném Pao:

là trò chơi rất độc đáo của dân tộc Mông - Yên Bái trong các dịp lễ hội hay Tết. Pao của các thiếu nữ màu sắc bắt mắt và sặc sỡ hơn, còn pao của các cô bé mới lớn đơn giản hơn và có màu đen. Trong khi chơi, họ giao ước với nhau về số lần ném, số lần bắt được pao, nếu bên nào thua thì phải hát một bài hoặc làm một điều gì đó mà cả đội quy định Nếu có dịp tới Yên Bái hãy thử sức hút của trò chơi này.

Những trò chơi dân gian ngày Tết 2

Đập niêu đất:

là trò chơi dân gian khá phổ biến ở nhiều làng quê thuộc vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Có địa phương lại đổ đầy nước vào trong niêu, mỗi khi có ai đó đập trúng niêu, nước sẽ bắn vào người và theo quan niệm thì đó là niềm may mắn trong năm mới


Đánh Quay:


còn gọi là đánh cù hoặc đánh gụ, là một trò chơi dân gian phổ biến ở hầu hết các sắc tộc của Việt Nam. Đây là trò chơi ngoài trời chủ yếu dành cho các bé trai nhưng cũng còn được thanh niên và những người già chơi

Nhảy sạp:

Đến với các tỉnh phía Bắc dịp lễ hội, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những màn "Múa Sạp" đặc sắc khiến người xem không khỏi trầm trồ. Đạo cụ cần thiết cho múa sạp phải có hai cây tre to, thẳng và dài làm sạp cái và nhiều cặp sạp con bằng tre nhỏ hay nứa (đường kính 3 đến 4cm, dài 3 đến 4m). Khi múa, người ta đặt hai sạp cái để cách nhau vừa đủ để gác hai đầu các cây sạp con, từng cây sạp con đặt song song, cách đều nhau chừng 2 gang tay tạo thành dàn sạp. Người múa chia ra một tốp đập sạp và một tốp múa, mỗi tốp có thể từ vài cặp trai gái đến nhiều cặp, càng nhiều đội hình càng phong phú, sinh động.
Thứ Bảy, 26 tháng 4, 2014 0 nhận xét

Nửa cổ tích

Nửa cổ tích kể về suy nghĩ ngây thơ, niềm vui bé nhỏ của cô bé ăn 7 tuôi xin đôi mắt sáng xoe tròn nhìn những đứa cùng tuổi mình nghịch ngợm cười vui....
***
Trong công viên, chiều đang xuống êm dịu. Mọi cảnh vật trông càn dễ chịu hơn. Một đám mây bồng bềnh trôi theo gió. Những lá cành đung đưa reo vui. Tiếng trẻ con nô đùa bên chiếc đu quay, cầu tuột, hay sung sướng ngồi nghịch trên đoàn tàu nhỏ chạy tròn quanh giữa côn viên. Bố mẹ chúng ngắm nhìn hạnh phúc, tươi cười, vẫy vẫy, gọi gọi.

Xa hơn một chút, ở ghế đá dài, có ông lão đang ky cóp nhặt đếm tiền trong chiếc nón tả tơi, mặc cho đứa bé gái ngồi bên ông, với đôi mắt sáng xoe tròn nhìn những đứa cùng tuổi mình nghịch ngợm cười vui. “Một nghìn chín trăm chín mươi, hai nghìn, hai nghìn hai chục”.

- Ông ơi, cho Xiu đi đu quay nhé!

Tiếng đứa bé gái làm ông lão ngừng công việc cuối của ngày. Mà cũng đã xong, trong chiếc nón lá rách của ông chẳng còn đồng tiền nào nữa cả. Ông vội kéo tay đứa cháu gái lại trước khi bé gái định chạy vội ra xa, giọng ông dỗ dành:

Ông ơi, cho Xiu đi đu quay nhé!

- Ngồi đây, ông sẽ kể cho Xiu nghe chuyện. Chúng ta không có thời gian để vui chơi đâu, Xiu à.

Nghe kể chuyện, mắt đứa bé sáng ngời hơn lúc nãy. Nó đã được nghe nhiều chuyện hay từ người ông thân yêu của mình: Người đẹp ngủ trong rừng, Ông Hoàng hạnh phúc, Nàng tiên Ốc, Hoàng hậu trong quả trứng v.v... toàn là cổ tích tuyệt vời. Nhưng mà giờ, sao nó vẫn cứ muốn vui đùa cùng bọn trẻ như ở trong công viên này. Ðứa bé vẫn năn nỉ ông mình:

- Xiu muốn đi đu quay, cầu tuột như bọn kia mà ông!
- Xiu cháu, chưa được đâu!
- Sao lại chưa? Xiu và ông đang ngồi không mà?

Ngây thơ, bé gái lại hỏi ông mình.

- Cháu thử coi quần áo cháu có sạch đẹp như bọn trẻ kia không mà đòi...

Người ông giải thích đơn giản, rồi chẳng để cho đứa bé thấy quần áo đủ loại vải nhàu bẩn của mình khác xa với những chiếc váy đầm, giày nơ xinh đẹp kia, ông lão tiếp.

- Xiu sẽ nghe ông kể chuyện cổ tích trong đó có Xiu, có ông nữa, vui lắm.

Xiu, đứa bé gái đã cảm thấy vui thích, ngồi lại gần ông hơn, và chẳng còn chú ý đến bọn trẻ xa xa đang đùa chơi kia nữa.

Người ông đôi tay run run xoa đầu cháu gái thương yêu, đôi mắt già như đang ngời sáng lại, môi ông bắt đầu run run...



Năm 2020, Huế, một đô thị đang phồn vinh. Nhà cửa san sát, những ngôi nhà cao tầng vời vợi ngóng nhìn nhau. Chúng mỉm cười trong cái mát mẻ của thời tiết. Thời tiết luôn tốt đẹp bởi con người đã bao bọc đô thị mình trong các lồng với khí hậu nhân tạo.

Một chiếc xe không người cầm lái, chở đôi vợ chồng tuổi chừng 32-34, một bé gái khoảng 6-7 tuổi và một cụ già có lẽ sống đã quá lâu. Râu tóc cụ bạc trắng. Xe họ dừng lại ở một khu vực có đường dành riêng cho tàu điện. Cả bốn người ra khỏi xe, đứng ngắm nhìn. Cụ già đưa tay chỉ chỗ này chỗ kia, miệng cười lớn nói hoài. Cụ bảo rằng nơi đây trước kia là một công viên đẹp, có đu quay, có cầu trượt... Tất cả họ đều nhìn quanh, lầu phố huy hoàng lộng lẫy trong nhiều ánh đèn màu. Ðêm về tự lúc nào mà họ chẳng hay, bởi ánh đèn điện quá tân kỳ của đô thị.

Nửa cổ tích 2
- Nhỏ Xi trở lại, chuẩn bị về thôi.

Nghe tiếng mẹ gọi, bé gái đang đùa nghịch hơi xa, chạy ào về, rồi làm nũng:

- Mẹ, còn mấy ngày nữa là con lên bảy rồi, mà mẹ cứ gọi con là nhỏ Xi hoài.
- Mẹ lớn thế này mà cố con cứ gọi là bé Xiu thì sao. Phải không cố?

Vừa trả lời con, người mẹ quay sang cụ già. Mỉm cười ông lão nói:

- Xiu là tên mẹ cháu mà cố gọi lúc bé. Xi là tên cố đặt cho cháu lúc mới lọt lòng đó.

Rồi họ lại vui cười lên xe về tổ ấm gia đình. Ra đón họ là một chú chó trắng lông xù tuyệt đẹp. Cún trắng ty ty chỉ nhỏ hơn ngón chân cái một xíu thôi, theo sau là chú mèo ly ly, đủ màu sắc của chiếc cầu vồng, ly ly thì bé bằng ngón tay út. Chúng nhảy mừng đón chào. Bé Xi âu yếm bế cả hai bên lên lòng bàn tay.

Gia đình vào buổi trưa. Máy tính được trang bị ở tủ lạnh đưa ra thực đơn. Xiu cùng chồng chỉ dùng một loại táo màu xanh rêu. Cụ già và bé Xi thì uống một thứ nước sánh đặc màu vàng trong, ngọt, the, ngon và thơm lạ kỳ.

Rồi mỗi người sinh hoạt theo sở thích của mình.
Vách tường di động. Cụ già đang xếp tường giấy lại để làm phòng nghỉ riêng. Ông đang theo dõi nhịp mạch, áp suất máu và một vài loại thông tin khác, về tình trạng sức khỏe của mình, nhờ chiếc máy chẩn bệnh tự động đang có bên người. Cô Xiu đang lo cho sắc đẹp của mình. Mỗi sợi tóc cô được nhượm một màu khác nhau nhờ chiếc mũ chụp mới. Làn da cô vẫn trắng, đẹp, trẻ trung. Cô đang tự phát thảo lấy kiểu áo xinh xắn của mình trên máy vi tính, để sẽ đến tiệm và vài phút sau có chiếc áo như ý tuyệt vời. Chồng cô ở phòng bên đang chứng kiến cảnh tượng như thật sự xảy ra trước mắt với bộ phim “người tự do”.
Bé Xi đang học bài qua màn hình. Bé viết bằng một chiếc bút máy tính nhỏ xinh xinh. Nó giúp bé vẽ nhiều hình đẹp không khác gì bút thần của Mã Lương ngày xưa.
    Ngày mai, cả gia đình sẽ đi nghỉ mát. Nhà nghỉ của họ sẽ nằm ở dưới biển. Nơi đó, họ có thể ngắm tha hồ thế giới thủy cung.
    Biển miên man, đẹp diệu kỳ bởi lớp lớp rong tảo, san hô, đồi mồi, trai ngọc, sò huyết v.v... và cá. Cá đủ loại cá vô vàn, lớn nhỏ, triệu triệu màu sắc. Chúng không còn xé nuốt lẫn nhau, mà hòa đồng, cùng chung sống trong một đại gia đình êm ấm. Cũng làm việc: xây nhà, buôn bán. Cũng rong chơi: quay nhảy, tuột nước... Chúng thả sức vui đùa, mặc con người đang nghỉ mát ngắm nhìn chúng mà mơ ước đẹp hơn.
    - Cá mà chơi quay nhảy, tuột nước chắc vui và đẹp lắm ông nhỉ? - Ðứa bé vô tình làm dứt cổ tích.
    - Ờ, đẹp vô cùng, Xiu à. Một ngày nào đó con sẽ được ngắm cảnh đẹp ấy.
    - Thích quá ông ơi!
    Cô bé reo vui rồi hồn nhiên hỏi:
    - Bao giờ hả ông?
    - Ờ... còn xa lắm.
    Cô bé Xiu thấy tiếc nhiều. Khuôn mặt ngây thơ gợn cau mày. Nhìn cô bé ai cũng tưởng nó đang suy nghĩ lung lắn! Mà thế thật! Nó có còn nghe đâu lời ông lão đang lẩm bẩm, dài dòng với đứa cháu:
    - Xiu gần bảy tuổi, đến lúc đó là 34 tuổi, chắc có đứa con bằng tuổi nó bây giờ. Một đứa bé nhỏ như Xiu, nhỏ Xi thôi. Lão đã sống 73 năm rồi, đến đó sẽ được 100 tuổi, chà! Sống lâu quá lâu. Sáu mươi một đời người. Thế mà chết chưa đành. Vì con. 73 tuổi tưởng chết mà vẫn sống. Vì cháu, tội nghiệp sớm mất mẹ cha. Ai giàu được ba họ, ai khó đến ba đời. Xiu con ơi, ngày nay nhìn lũ trẻ như con vui đùa hạnh phúc, con muốn được vui cùng, con đi trong thành phố xinh đẹp, con thấy yêu thích nhiều, thì ngày mai con sẽ được yêu thương hơn, hạnh phúc hơn bởi lúc đó con người, thành phố, đất nước vô cùng xinh đẹp, ngập tràn ánh hồng tươi hơn cả triệu lần. Ngày mai, ngày mai, rồi ngày mai nữa là... Bé Xiu đã hết tiếc mơ cảnh biển cá đẹp lạ kỳ, nghe những tiếng sau cùng của ông mình đang lẩm bẩm, chợt hỏi:

- Ngày mai sao hả ông? Mình sẽ vào xin ở những quán hàng như hôm nay hả ông?

Ðêm đến tự bao giờ, tiếng cây lá thầm thì. Mây vẫn bồng bềnh trôi theo gió. Sao lúc tỏ lúc mờ, nhưng vẫn đủ soi sáng khắp nơi. Trên ghế đá, đứa bé đã yên ngủ. Nó mỉm cười trong mơ thấy ngày mai tươi đẹp. Ông nội đang ngồi ủ ấm cháu gái thân yêu. Ông mỉm cười mệt mỏi nghĩ suy đến ngày mai: Những đồng tiền giấy cứ rơi như những chiếc lá rơi. Rơi, rơi... đầy ngập cả chiếc nón lá tơi của ông.

Xa xa, trên mấy chiếc ghế đá khác, vài lứa đôi cũng đang thì thầm như cây lá. Họ mỉm cười. Họ cũng mơ ước. Họ mơ ước được hạnh phúc hơn nữa. Bởi họ đang hạnh phúc tràng đầy.
Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014 0 nhận xét

Tản mạn về Tết của người Việt xưa

Tản mạn về Tết của người Việt xưa ghi lại những phong tục của người Việt xưa, có một chút man mác buồn vì những giá trị truyền thống đang dần mai một.

Đối với người Việt Nam, nói là ăn Tết ba ngày, nhưng để có ba ngày Tết đó, mọi người phải chuẩn bị và tích góp gần như cả năm trời.

Đầu tiên là nuôi lợn, ngày ấy không có giống lợn lai và thức ăn tăng trọng, mà toàn là giống lợn quê cho ăn cám nấu cây chuối dọc khoai hay bèo tấm. Sức lớn mỗi tháng chỉ 4-6kg. Nên để đạt trọng lượng 50-60kg thịt cho ngày Tết, phải nuôi từ đầu năm.

Đối với những nhà có điều kiện gói bánh chưng, cũng ngay từ đầu tháng Chạp đã lo mua gạo nếp, đậu xanh... để sẵn. Thậm chí đến những chiếc lá để gói bánh - như lá dong, những chiếc lạt để buộc bánh chưng, bánh giò... cũng phải lo liệu trước, không đợi cận Tết mới sắm. Họ lo như thế nào? Những nhà có vườn cây, quanh năm góp nhặt những tàu lá rụng, cắt lấy mà tước mỏng, quấn lại lên bếp để Tết mà gói giò...
Những món ăn truyền thống trong Tết xưa của người việt

Những món ăn truyền thống trong Tết xưa của người Việt

Cứ rằm tháng Chạp, nhà nào cũng làm dưa hành. Hành củ to tròn, mua về ngâm nước gio bếp năm ngày, rồi bóc vỏ cắt rễ trộn muối hai ngày sau thì đổ nước ngâm, mất 7-8 ngày nữa củ hành mới hết cay chuyển thành dưa chua dôn dốt. Không phải món chính, nhưng trên mâm cỗ ngày tết không thể thiếu món này, nên ngày xưa nó được xếp vào sáu loại phẩm vật đặc trưng của Tết: "Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh/Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ.”

Không khí Tết bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp, cúng ông Công ông Táo lên chầu Trời. Ngày 24 trở đi đã rộn rã lắm rồi, trẻ con mua pháo lẻ ở chợ về đốt chơi đì đùng ở sân đình. Người lớn lau dọn bàn thờ tổ tiên, đi tạ quan thần linh ở những nơi đặt phần mộ ông bà cụ kỵ; tổng vệ sinh nhà cửa, ngõ xóm... Từ 27 đến 30 tháng Chạp, nhà nhà lo mổ lợn, gói bánh chưng, bánh tẻ, quấy chè lam, nấu kẹo lạc, làm bỏng mụn.

Chỉ trừ số ít gia đình quan lại và dân phố phường, thành thị là ăn Tết có cao lương mĩ vị đắt tiền, còn đại đa số người dân, sống bằng nghề làm ruộng ở nông thôn, lấy bánh chưng thịt lợn làm cơ bản để cúng và ăn Tết. Thường là mỗi nhà mổ một con lợn, nhà ít người hoặc nghèo thì chung nhau hai nhà một con, nhà quá ít người hoặc quá nghèo thì ăn đụng một đùi hoặc nửa đùi.

Suốt ngày 28 đến 30 tháng Chạp tiếng lợn kêu eng éc khắp làng xóm, các bến nước hai bên bờ sông kẻ lên người xuống dập dìu, chỗ này cọ lá dong, chỗ kia làm lòng lợn.

Quanh năm bận rộn, bữa ăn đơn giản vài ba món, toàn là rau dưa, cà kiệu, cá tôm, cua lươn, ốc ếch. Tết đến mổ con lợn ra mới có điều kiện bày vẽ trước cúng sau ăn. Cái sỏ thường dùng gói giò gọi là giò thủ, đôi thăn giã nhuyễn gói giò lụa, cũng có nhà gói cả giò mỡ. Chả rán thì dùng thịt nạc giã nhuyễn nặn như chiếc đĩa, chả nướng thì thái miếng ướp hành nước mắm, cũng ướp cả riềng mẻ nữa, vót tre làm xiên mỗi xiên 7-8 miếng.
Hình ảnh đu quay ngày Tết trong tranh dân gian Đông Hồ

Hình ảnh đu quay ngày Tết trong tranh dân gian Đông Hồ

Những khổ thịt ba chỉ hay nửa nạc nửa mỡ luộc qua cho cứng lại rồi thái thỏi bề ngang vài ngón tay, đem áp chảo. Sườn thì chặt quân cờ cặp gắp nướng chả vè hoặc tút xương làm chả chìa. Xương để hầm măng khô. Món nem thính gói lá ổi cũng nhiều nhà làm, vì có nó hương vị Tết mới đậm đà...

Bánh chưng là món ăn ngon, hạt gạo tự mình làm ra chẳng cần đong đếm song ngặt một nỗi là chiếc nồi đồng luộc được ba bốn chục bơ gạo bánh, trong làng chỉ có năm bẩy nhà giầu sắm được. Vì vậy phải mượn chuyền tay nhau, phải dạm trước với nhà chủ để còn sắp xếp. Có nhà luộc bánh từ sáng ngày 27, nhà mượn cuối cùng là chiều 30 Tết, tính đếm sao cho kịp trả nồi trước lúc gia chủ thắp hương đón giao thừa, tiếng pháo nổ rền mừng năm mới.


Ngoài ba ngày Tết, ăn uống còn kéo dài thêm nhiều ngày nữa. Nào là anh em họ mạc bạn bè ở xa đi du Xuân rẽ vào chơi dùng bữa. Nào là con cháu rong ruổi với các trò vui đánh đu, đánh đáo, kéo co, chọi gà, đánh vật, đánh cờ, lúc đói bụng lại đáo về lục lọi thức ăn.

Tục là như thế: “Tháng giêng là tháng ăn chơi.” Ăn chơi cho bõ cả mùa đông lăn lộn ngoài đồng hai sương một nắng. Ăn chơi, vì mọi việc đồng áng đã xong.

Khâu chuẩn bị cuối cùng là món tiền lẻ để phát vốn cho trẻ con. Trước tiên là sáng mùng Một phát vốn cho con cháu trong nhà, sau đó bất cứ đứa trẻ nào đến chơi cũng được phát vốn. Trường hợp có bổn phận phải đến chúc Tết các bậc vai vế bề trên, thì cũng cần mang theo tiền lẻ để phát vốn cho trẻ nhỏ.

Chiều 30 Tết, nhà nào cũng cắm một cây nêu ở giữa sân, dùng cây tre nhỏ hay cây nứa còn bánh tẻ để nguyên ngọn cong vút như cần câu, buộc lá cờ đuôi nheo xanh đỏ hoặc túm lá dứa dại làm tín hiệu chào đón ông bà ông vải về ăn Tết và để ngăn trừ ma quỷ. Xem ra công việc chuẩn bị cho Tết rất nhiều và vất vả. Nhưng cũng lạ là không ai kêu ca, mà trẻ già trai gái ai nấy đều vui mừng háo hức.

Sửa soạn cho Tết để đón chào năm mới, không phải chỉ lo các thứ như mọi ngày mà còn sắm sửa cho những mối ân tình, những quan hệ thâm sâu.

Con cháu khi đã ra ở riêng, dù xa xôi cách trở, cũng tìm về lo liệu biếu Tết cho ông, bà, cha mẹ nhiều ít tuỳ hoàn cảnh sinh sống. Nếu dư dả thì của ngon vật lạ, nếu nghèo túng thì cũng phải có thứ gì nhỏ làm quà. Nếu ông bà, cha mẹ sống cảnh giàu sang có khi con cháu đưa đến một cành đào, hai chậu cúc, hay vài củ thủy tiên có khi chỉ có một cối pháo cũng đủ làm cho đấng sinh thành hài lòng.

Ngoài bổn phận con cháu, còn bổn phận học trò. Dù bây giờ có trở thành ông nghè, ông cống bia đá có đề tên thì ông học trò cũng phải nhớ về thăm thầy cũ./.
1 nhận xét

Tản mạn: Nếu thời gian quay trở lại

Nếu thời gian quay trở lại - Hồi ức về tuổi thơ của một chàng trai 24 tuổi, nhớ ngôi nhà nhỏ ở ngoại ô, những trò chơi thuở nhỏ.
Nếu như được làm lại, ta sẽ tìm cách sửa chửa lỗi lầm nào, sẽ lựa chọn xoá đi nỗi đâu nào, sự ân hận, niềm hối tiếc nào. Liệu ta có giám mang lại ý nghĩa mới cho sự tồn tại của mình hay không. Nhưng để trở thành ai, để đi đến đâu và cùng với ai.

Những dòng các bạn vừa đọc là dòng tự sự “hẹn em ngày đó”, một cuốn sách nổi tiếng của nhà văn Guillame Musso. Tôi chọn những dòng này để mời bạn cùng nắm tay tôi, bước lên cổ máy thần kỳ của Đôrêmon hoặc uống viên thuốc màu nhiệm mà bác sỹ Elliott đã uống để bước vào một chuyến du hành kỳ lạ ngược về quá khứ ngày xưa . Như thề thời gian đang quay trờ lại.


Nếu thời gian quay trở lại ta có thể quay trở lại ngày xưa, có lẽ nơi tôi muốn đến nhất là ngôi nhà cũ của mình. Đó là một ngôi nhà nhỏ nằm ở ngoại ven thành phố, thấp thoáng sau những rặn tre, rì rào lao xao trong gió những buổi trưa hè. Thuở ấy chưa có những bộ phim hàn quốc, với những con đường mùa thu lá vàng lá đỏ rơi ngập lối đẹp như tranh vẽ. Thuở ấy chỉ có lá tre ứa màu rơi lả tả xuống sân nhà, chỉ có cậu nhóc 6 tuổi đứng lặng lẽ ngẩn ngơ nhìn như đang chứng kiến một kiệt tác của tạo hoá, mà tuổi thơ đã dành tặng riêng cho nó. Cậu nhóc 6 tuổi ấy là tôi của 18 năm về trước. Nếu bạn gặp tôi lúc đó, chắc sẽ không khỏi phì cười vì bộ dạng lem luốt của tôi, mặt mày đen nhẽm, quần áo và tóc tai ấm đầy mùi khói đang chu mỏ thổi cái bếp lửa gôm sắp tàn . Đó là trò chơi của tôi khi gió về mà mỗi mùa lá tre rơi.

Mỗi lần đó tôi lăn săn chạy với cây chổi tre trong tay, hì hụt quét lá tre thành một đống cao đầy. Rồi ghệ nệ bê về đôi ba viên gạch mẽ. 2 cục gạch bên trái, 2 cục gạch bên phải thêm 2 cục gạch thẻ khép lên tạo thành chổ để cái nồi be bé thế là thành cái bếp lồ .

Khi lớn lên một chút, tôi bắt đầu khám phá các khu vực quanh nhà mình. Các trò chơi mà tuổi thơ tôi không thể quên. Lần đầu tiên theo anh tôi tham gia trò chơi bắn bi, tôi thích thú vô cùng. Rồi còn có cả trò chơi tạt lép. Hớn hở vui mình khi mình không phải bi chăn bắt người khác.

Mười mấy năm đã trôi qua kể từ những trận mưa của ngày xưa…Nghe nói người ta đã lấp hết những bờ ruộng để xây khu dân cư. Nghe nói bây giờ không còn chổ để cho những đứa nhóc như chún tôi thuở bé có thể chơi những trò chơi ấy nữa.

Tản mạn: Nếu thời gian quay trở lại 2

Nếu thời gian quay trở lại... bạn có chơi những trò chơi khi bé: đu quay, tắm sông, thả diều?


Xem lẫn những ngày nắng dạo chơi trong vườn của tôi, là những ngày mưa ngồi dưới hiên nhà nhìn ngấm mưa rơi. Những trận mưa trắng trời làm lđầy ấp các cái lu sau nhà. Những trận mưa có khói bếp bóc lên cao. Có dáng cố hao gày lụm cụm kho nồi thịt ba gọi với mắm ruốt để ăn vào những ngày mưa như thế, thì không gì bằng.

Rồi vào một ngày mùa hè tôi nghe mẹ báo tin, cố đã đi đến một nơi rất xa, đã gần 2 năm qua rồi kể từ khi cố mất, trong suốt 2 năm, không biết bao nhiêu lần tôi đã tự nhũ , nếu như được trở về màu hè năm ấy , tôi sẽ trở về nhà, sẽ gặp cố lần cuối cùng. Tôi biết dù tôi có trở về nhà, có gặp cố lần cuối cùng thì cũng không làm cố ở lại thế gian này với tôi, nhưng ít ra tôi sẽ thầm ước ao, nếu như được trở về mùa hè năm ấy, thêm một lần nào đó trong đời. Tiết là trong cuộc sống thật này, người ta không bán vé quay trở lại tuổi thơ.

Đêm nay tôi bước vội khỏi nhà, đến Ga xếp hàng mua vé, lần đầu tiên trong nghìn năm có lẽ, cho tôi xin một vé đi tuổi thơ. Vé hạng trung, người bán vé hẩn hờ, hôm nay vé hết.

Biết làm sao vé hết biết làm sao…?
Đường tới tuổi thơ còn biết hỏi nơi nào…?
(Internet)
Thứ Tư, 23 tháng 4, 2014 0 nhận xét

Tản mạn: Sài Gòn vẫn đợi tôi về

Tản mạn: Sài Gòn vẫn đợi tôi về - Nỗi nhớ Sài Gòn của người con Tây Nguyên sau những tháng ngày sinh viên gắn bó...

Xa Sài Gòn, tôi nhớ da diết, tôi vẫn sẽ trở lại, sẽ trở lại một ngày gần nhất thôi, về với Sài Gòn tôi sẽ làm những điều tôi đã từng làm, sẽ đến những nơi tôi từng đến...


***
Tản mạn: Sài Gòn vẫn đợi tôi về

Tản mạn: Sài Gòn vẫn đợi tôi về

Sài Gòn hiện hữu trong đầu tôi những ngày học phổ thông là qua những biển ghi lộ trình trên những chiếc xe Buôn Ma Thuột – Sài Gòn. Ngày ấy, cái tuổi đôi mươi của chàng trai trẻ Tây Nguyên tôi mơ mộng lắm, tôi quyết tâm học thật giỏi để mai sau xuống Sài Gòn học. Sài Gòn trong tôi lúc ấy viển vông đến vô cùng. Có chăng cũng chỉ hình dung ra nơi đó người đông chen chúc như cảnh chợ búa mà lâu lâu tôi được mẹ dắt theo một lần, chỉ hiểu được như vậy.

Tôi vẫn nhớ như in cảm giác lần đầu đến với Sài Gòn, ngồi trên xe, tôi bơ vơ một mình lọt thỏm phía hàng ghế cuối cùng, tôi sẽ đến Sài Gòn trong chiều nay thôi. Sài Gòn cứ miên man trong đầu tôi như thế nào tôi không tưởng tượng nổi nữa. Và rồi, Sài Gòn chào tôi vào buổi chiều tà, trong khung giờ cao điểm của thành phố khiến tôi choáng ngợp mà nước mắt trào ra chỉ vì không dám qua đường. Sài Gòn nơi tôi mơ mộng là đây.

Sài Gòn gắn bó với tôi bắt đầu bằng những ngày đầu bỡ ngỡ, chập chững những bước đi đầu của chàng trai lần đầu bước khỏi lũy tre làng để đến với chốn phồn hoa đô hội, tôi bị choáng ngợp với tốc độ của cuộc sống nơi đây, những dòng người xuôi ngược, những hàng xe nối dài mà đợi chờ mãi tôi cũng không dám băng qua đường. Sài Gòn những ngày ấy khiến tôi phải tự lập, tôi khóc vì nhớ nhà, vì những lời nặng nhẹ của những đứa bạn cùng phòng kí túc xá đã chính thức cướp mất sự dỗ dành, chở che của ba mẹ dành cho tôi khi ở nhà.

Sài Gòn năng động, ồn ào, Sài Gòn không còn nữa những người thân bên cạnh tôi, khiến tôi phải hòa mình vào cuộc sống nơi đây. Sài Gòn đến với tôi dữ dội quá, ấn tượng quá, đôi lúc tôi muốn từ bỏ giấc mơ thành một chính trị gia để về với buôn làng yên ả, được oằn mình với những thác nước xoáy tít, được thả mình dưới những dòng sông quê, và hơn hết được về bên những trợ thụ đắc lực nhất để không phải bon chen, để được bảo vệ tối đa. Nhưng, Sài Gòn bén duyên với tôi khi tôi bước vào giảng đường thực sự. Rồi tôi cũng quen với những con người xa quê vào Sài Gòn học như tôi, tôi thấy không còn cô đơn và xóa đi cảm giác tủi tủi khi nhớ nhà nữa, Sài Gòn giờ đây đã tạo cho tôi cái đồng hồ sinh học với nhịp đều đặn để kịp với guồng quay mang tên năng động.

Tôi mang đến Sài Gòn một con người chân chất và ngơ ngác như nai tơ đúng chất của núi rừng Tây Nguyên, thời gian cứ trôi đi lặng lẽ, tôi cũng lớn dần lên, tôi không còn nai tơ mãi nữa, tôi thành cáo lúc nào không hay, tôi đã là công dân của Sài Gòn, là sinh viên của Đại học Khoa học xã hội nhân văn, tôi có nhóm học tập, có những người để sẻ chia mỗi lúc vui buồn. Tôi xông xáo với những cuộc thi học thuật từ cấp khoa đến trường tổ chức. Tôi đã biết lang thang Sài Gòn qua những tiệm sách cũ để rồi mọi chủ tiệm đều ấn tượng tôi, tôi thích cái cảm giác cứ đến là cô chủ lại hỏi tôi : " Đọc "hớt" chưa con" ? Tôi mê sách mà đến nỗi mỗi lần mua lại được tặng thêm mà duy nhất chỉ có tôi, đúng là khách hàng thân thiết mất rồi.

Tản mạn: Sài Gòn vẫn đợi tôi về 2

Tôi có những người bạn thân đến từ mọi miền, tôi không quên những buổi chiều lang thang Làng Đại Học thưởng thức những món sinh viên mà cả nhóm tôi khoái khẩu nào là Cháo lòng Tân Tiến, nước mía Bà Hai, Tàu Hũ thể thao...Tôi có những mùa Noel đáng nhớ với những người bạn, tôi được thỏa thích chụp hình dưới những ánh đèn trang hoàng lộng lẫy mà dường như thành nét riêng của Sài Gòn, được chen chúc vào đám đông đến nghẹt thở khu quanh nhà thờ Đức Bà mà mãi hôm sau mới về phòng. Và, tôi hạnh phúc khi được gặp thần tượng của tôi qua những show diễn ở Kí túc xá mỗi dịp xuân về.

Sài Gòn của những ngày thân thương với tôi ghi dấu nhất vẫn là những giờ học trên giảng đường, Tôi luôn mang trong con người tôi phương châm "Học hết sức, chơi hết mình". Tôi quên sao được cảm giác khi lần đầu nghe tên những Tiến sĩ, Phó giáo sư, Giáo sư sẽ phỏng vấn tôi trong vòng thi tuyển chọn vào lớp Cử nhân tài năng, tôi run run mà người ướt đẫm mồ hôi khi lần đầu trong cuộc đời tôi được trải nghiệm, tôi sẽ hằn ghi dấu với những bài tiểu luận khó mà tìm tài liệu mãi không ra dù đã chạy ngược xuôi từ thư viện trường đến thư viện tổng hợp, tôi của sinh viên năm ba đánh dấu chút gì đáng tự hào khi dám thuyết trình trước đám đông mà được giảng viên tấm tắc khen.

Sài Gòn với tôi không còn xa lạ nữa, tôi yêu Sài Gòn từ lúc nào không hay, tôi chưa bao giờ buột miệng để tôii ra nhưng tôi cảm nhận được tôi yêu Sài Gòn lắm, tôi yêu những chuyến xe buýt ngược xuôi, rong ruổi trên khắp các ngả phố, tôi yêu những cô hàng quán ven cổng trường luôn niềm nở và cho tôi những món ngon mà tôi không bao giờ quên và nhiều nhiều lắm những điều tôi không sao kể hết.

Tôi nhớ Sài Gòn. Nhớ lắm, Sài Gòn đã cho tôi nhiều thứ quá, Sài Gòn dạy tôi mạnh mẽ hơn, bản lĩnh hơn, Sài Gòn cho tôi biết tôi là ai và tôi phải làm gì, Sài Gòn cho tôi môi trường học thuật quá tuyệt vời, cho tôi những người bạn mà mỗi khi nhắc đến là biết bao kỷ niệm ùa về. Đêm nay, tôi lại ngồi viết, tôi viết với một tâm trạng khoan khoái xen lẫn chút gợi buồn, tôi đã sống và đã xa Sài Gòn hơn hai tháng nay rồi, ừ, Sài Gòn vẫn cứ tấp nập, vẫn tắc đường, trên giảng đường vắng tôi thì đàn em đã thay thế. Dẫu vẫn biết gặp nhau rồi lại xa nhau là thường, bởi đời người là những chuyến đi nhưng sao xa Sài Gòn tôi thấy bồi hồi đến thế. Hễ có gì là tôi lại đem Sài Gòn để so sánh, để ví von trong suy nghĩ của tôi, Sài Gòn không mưa dầm như quê tôi, Sài Gòn món gì cũng có...Tim tôi sao cứ se thắt lại, Sài Gòn đã đi vào trong tâm hồn tôi, Sài Gòn sẽ là một chương lớn trong cuốn nhật ký của tôi, tôi sẽ dựng một clip thiệt hoành tráng về thời sinh viên mà hai tiếng Sài Gòn cho phông nền sẽ đủ để bao hàm tất cả.

Xa Sài Gòn, tôi nhớ da diết, tôi vẫn sẽ trở lại, sẽ trở lại một ngày gần nhất thôi, về với Sài Gòn tôi sẽ làm những điều tôi đã từng làm, sẽ đến những nơi tôi từng đến, lúc đấy chắc tôi sẽ thỏa thích lắm đây. Sài Gòn ơi, mảnh đất đến rồi đi sao thấm đượm nghĩa tình đến thế. Tôi lật lại thơ Chế Lan Viên mà tôi hay ngấu nghiến thời phổ thông mơ mộng ấy.
"Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn"

Tôi chợt giật mình, giữa đại ngàn Tây Nguyên những tiếng gà đã gáy, màn đêm im ắng để tôi viết về Sài Gòn như người tình lâu năm đã sáng dần lên. Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn. Sài Gòn ơi! Ta với mi đã là một, tâm hồn ta đã có Sài Gòn sâu sắc đến mặn nồng. Sài Gòn ngày Tôi đến gần đây chắc chắn sẽ đổi thay nhiều thêm, và tôi sẽ có niềm vui riêng ở đất Sài Gòn vào ngày làm lễ Tốt nghiệp. Rồi Sài Gòn vẫn đợi tôi về thôi.
(Internet)
1 nhận xét

Tản mạn: Tuổi thơ tôi là.....

"Tuổi thơ tôi là....." tái hiện những kỷ niệm tuổi thơ nơi thôn quê thời chăn trâu, thả diều. Hãy cùng các giả thả thuyền trên dòng sông tuổi thơ.
Tuổi thơ tôi là những ngày rong ruổi triền đê thả diều, là những chiều vắt vẻo lưng trâu với tiếng sáo diều vi vu, là những ngày mùa bận rộn lạch cạch tiếng xe trâu với cánh đồng lúa chín bạt ngàn thẳng cánh cò bay.
Tuổi thơ tôi là.....

Tuổi thơ tôi là những ngày rong ruổi triền đê thả diều

Tuổi thơ tôi là những bông cỏ may bám đầy quần mỗi khi chơi chọi gà với chúng bạn để rồi tối về ngồi gỡ từng cánh cỏ sao cho khỏi ngứa, là những trưa tắm sông ngụp lặn, những chiều bắt cá, bắt tép.

Tuổi thơ tôi là sự ngóng chờ mẹ đi chợ về với túi kẹo gỗ làm bằng mật mía chỉ 500 đồng, sao mà ấm áp, sao mà ngọt ngào đến thế. Để rồi 15 năm sau khi bước chân ra thành phố vẫn nhớ mãi cái hương vị ngọt ngọt dai dai của nó.

Tuổi thơ tôi là những trận đòn mẹ đánh vì tội trốn ngủ trưa đi chơi giữa trời nắng để tối về lại lên cơn sốt hầm hập làm mẹ trằn trọc suốt đêm không ngủ vì lo cho con.

Tuổi thơ tôi là những ngày chăn trâu cắt cỏ với hàng chục vết đứt ở ngón tay trỏ, là những ngày miệt mài bên bàn học với chiếc đèn dầu đêm đông, với chiếc quạt nan giữa đêm hè, là quyết tâm vào Đại học để thoát cảnh nghèo.

Tuổi thơ tôi là vị cay cay của nồi rượu gạo mẹ vất vả nấu mỗi ngày để kiếm thêm đồng ra đồng vào, để cho con được bằng bạn bằng bè.

Tuổi thơ tôi gắn liền với những trò chơi truyền thống: nhảy dây, cầu trượt,....


Tuổi thơ tôi là hương vị nồng ấm của miếng trầu phả ra từ người nội gợi nhớ về sự tích trầu cau, là cô Tấm thảo hiền bước ra từ trong quả thị thơm, là chàng Thạch Sanh dũng cảm cứu nàng công chúa, là tiếng đàn "tích... tịch... tình... tang...", là anh Khoai hiền lành chăm chỉ, là những lời ru ầu ơ...

Tuổi thơ tôi là những ngày trên lưng nội cõng đi chơi, là hai anh em ăn chung một quả ổi, là bàn tay anh dắt em đi học những ngày đầu tiên, là sự ghen tị với bạn bè về những bộ quần áo mới, về gói quà ăn vặt.

Tuổi thơ tôi là những ngày bố cặm cụi bên bàn học dạy con tập đánh vần ê a, là "chữ O tròn như quả trứng gà. Ô đội nón, Ơ thì thêm dâu". Là thất bại đầu đời khi trượt kì thi học sinh giỏi lớp 5, là những giọt nước mắt giấu sau cánh cửa mỗi lần ba mẹ cãi nhau, là giọt mồ hôi ướt đẫm lưng mẹ, là nếp nhăn hằn trên khuôn mặt khắc khổ của ba.

Tuổi thơ của tôi là những đêm ngắm trăng, ngắm sao qua khung cửa sổ, là những cơn gió mát của đồng nội, là hương lúa nếp vang lừng đường đi.

Tuổi thơ của tôi là những ngày bắt dế, săn chuột trên đồng, là những chiều trộm ngô hun khói rồi ba bốn cái đầu chụm lại và tranh nhau ăn.

Tuổi thơ tôi nhọc nhằn, vất vả với những công việc của con nhà nông, với que kem chỉ 200 đồng, với tệp bánh giấy xanh, đỏ, tím, vàng... tuổi thơ tôi không có những robot, không có siêu nhân cũng không có những búp bê sành điệu. Tuổi thơ tôi chỉ là cái cù, cái khẳng, chỉ là quả cà với 10 cái que được vót từ miếng nứa thừa.
Tuổi thơ tôi không có khái niệm nhà cao tầng, những tòa tháp chọc trời.

Tuổi thơ tôi không có khái niệm nhà cao tầng, những tòa tháp chọc trời.

Tuổi thơ tôi không có khái niệm nhà cao tầng, những tòa tháp chọc trời. Tuổi thơ tôi là mái nhà dột đầy nước mỗi khi mùa mưa về, là những tia nắng xuyên qua mỗi ngày hè, là bầu trời thu nhỏ khi ngồi trong nhà ngắm qua khe hở của mái tranh cũ kĩ.

Tuổi thơ tôi không có những ngày học ngày học đêm, không có những ca học thêm đắt tiền, không có thầy Tây dạy tiếng Anh. Nhưng tuổi thơ tôi có những người bạn đi bộ cả mấy cây số cắp sách tới trường, tuổi thơ tôi có tình bạn thân thiết, có sự sẻ chia ngay khi cả một cái kẹo, một tờ giấy nháp.

Tuổi thơ tôi đầy thiếu thốn nhưng cũng giàu lắm. Chúng tôi thiếu những thanh kẹo sô-cô-la, thiếu những cái bánh bông lan đắt tiền nhưng chúng tôi giàu lắm sự chân thành, sự quan tâm vô tư, hồn nhiên của những đứa trẻ lam lũ dành cho nhau, chúng tôi giàu lắm tình cảm và sự thương yêu.

Tuổi thơ tôi là thế đấy! Thèm lắm được một lần quay trở lại tuổi thơ tôi để được chơi trò đuổi bắt dọc triền sông, để được nũng nịu trong vòng tay của bà, để hai anh em lại cắn chung một quả ổi, để những ngày mưa một tay xách dép một tay xoắn quần bì bõm trên con đường đất lầy lội đến trường.

Thương lắm tuổi thơ ơi! Nhớ lắm tuổi thơ ơi! Một phần cuộc đời của ta! Xin đừng bao giờ quên nhé!
 
;