Thứ Tư, 23 tháng 4, 2014

Tản mạn: Góc phố tuổi thơ giờ còn đó?

Tản mạn: Góc phố tuổi thơ giờ còn đó? - Những hồi ức về Hà Nội những năm 80 của thế kỷ trước sống dậy khi đứng trước một Hà Nội náo nhiệt, đông đúc
Tản mạn: Góc phố tuổi thơ giờ còn đó? 2
Hà Nội những năm tám mấy của thế kỷ 20, con phố nhà bà ngoại tôi ở vẫn còn vắng vẻ. Mỗi tuần tôi lại cùng bố mẹ về thăm bà, gọi là “xuống bà” vì bà ở phía Nam thành phố mặc dù cũng chả xa cách khu trung tâm cho lắm. Bọn trẻ hàng xóm vẫn cùng tôi và hai người chị họ ra khoảng vỉa hè rộng ngoài phố để chơi vào những buổi chiều Chủ Nhật.

Trên cái khoảng vỉa hè đó, chúng tôi chơi đủ thứ trò mà bọn trẻ con thời đó vẫn hay thông thuộc. Nào là chơi đồ rồi chơi nhảy dây, nào là chơi song phi, trốn tìm hay ô ăn quan. Và tất nhiên cũng không thiếu những trò chơi như bắn chun, bịt mắt bắt dê hay tú tấn. Trẻ con như chúng tôi cũng chỉ chênh nhau vài tuổi, tất cả đều hào hứng tham gia không phân biệt lớn bé hay trai gái. Mệt thì nghỉ, nghỉ tí lại chơi tiếp.
Tản mạn: Góc phố tuổi thơ giờ còn đó?

Tản mạn: Góc phố tuổi thơ giờ còn đó?

Với chúng tôi, cái cây là vật cản để chạy đuổi nhau vòng quanh. Cái cột điện trở thành nơi để đồ hoặc đôi khi lại có tác dụng giữ dây chun buộc vào mỗi khi chơi nhảy dây để đỡ tốn một người đứng cầm. Địa bàn của chúng tôi không chỉ có vậy, mà còn mở rộng ra cả khu nhà để xe bỏ trống ở phía bên kia đường của cái nhà máy cơ khí nổi tiếng. Chơi đồ trong đó thú lắm vì có nhiều chướng ngại vật như mấy cái cột, mấy cái rào sắt hay là cả thân cây to nên việc đuổi bắt không đơn giản chút nào như khi chơi ngoài vỉa hè. Chúng tôi đuổi nhau mệt nhoài cho tới tận chiều muộn, khi tất cả bị gọi về tắm rửa để chuẩn bị ăn tối. Mệt nhưng mà vui, vì được vận động, được chơi với những bạn bè cùng trang lứa hay những anh chị em khác. Mỗi buổi chiều Chủ Nhật, tôi lại tìm được chút bình yên sau những giờ học ở trên lớp theo cái cách như vậy. Cứ thế, đoạn phố đã gắn bó với tuổi ấu thơ của tôi.và chiếm trọn một phần trong tâm hồn. Rồi một ngày của năm 1994, bà ngoại tôi chuyển đi nơi khác. Tôi mất liên lạc với đám trẻ hàng xóm, sau này cũng hầu như không còn cơ hội được chơi vui vẻ như vậy nữa.

Mười mấy năm sau, có lẽ không ai lại có thể mường tượng rằng cái con phố nhỏ vắng vẻ ấy có ngày lại trở nên vô cùng nhộn nhịp và đông đúc như bây giờ. Khu nhà máy bị phá bỏ, một khu thương mại phức hợp được xây lên đã làm thay đổi toàn bộ diện mạo của khu phố cũng như mấy con phố giáp kề bên. Ô tô lớp lớp đỗ đầy lòng đường, giao thông thì vô cùng đông đúc và thường xuyên tắc nghẽn. Khắp xung quanh già trẻ lớn bé người người đi qua đi lại, hàng quán thì san sát bên nhau. Dưới sức ép của việc mưu sinh cũng như thương mại, toàn bộ phần vỉa hè được tận dụng triệt để hoặc là để xe máy, hoặc để sạp báo hay tủ bán bánh mỳ kebab... Đi được hay đứng được trên vỉa hè đã là điều không thể, chứ đừng nói đến chuyện gì khác.

Trong cái khoảng không gian nhộn nhịp mà nhộn nhạo đấy, hiển nhiên là chẳng ai có thể tìm được chút bình yên nào cho tâm hồn của mình. Người đi thì phải đi cho nhanh để khỏi nghe tiếng còi giục giã. Người trông xe thì dắt xe thật mau để còn dắt và mời gọi những người kế tiếp gửi xe vào bãi của mình. Người rửa xe hoàn thành công đoạn rửa xe một cách chóng vánh để còn phục vụ chiếc xe mới vừa xịch đỗ. Mấy cô cậu thanh niên chạy ra ăn sinh tố thật gấp để còn kịp lên rạp. Cột điện hay cây si, những chứng nhân cuối cùng của cái sân chơi nho nhỏ một thời của chúng tôi giờ đang phải nhoài mình mà vươn lên trong đống xe máy dày đặc chung quanh, được dựng chân chống giữa, để sít vào nhau đến từng cen ti mét. Những đứa trẻ ngày nào giờ đã là người lớn, quá nửa chuyển đi đâu nào ai có biết.

Vẫn biết thời gian không bao giờ trở lại, vẫn biết cảnh vật chỉ là bãi bể nương dâu, vẫn biết sự đời như bức tranh vân cẩu. Vậy mà sao, vẫn thấy nuối tiếc về một thời say mê tươi trẻ…

Và giờ, mỗi lần đi qua đoạn phố Đoàn Trần Nghiệp đó, trong đầu tôi lại văng vẳng lên câu hát: “This used to be my playground, this used to be my childhood dream…” Đấy đã từng là sân chơi của tôi, đấy đã từng là giấc mơ của thời thơ ấu...
(Internet)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
;